Thông cáo báo chí về các dự thảo Nghị quyết của thành phố Hà Nội

05:03 | 14/09/2022

I. Dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội
1. Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Thành phố Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giữa cấp Thành phố và cấp huyện (sau đây gọi tắt là phân cấp) bắt từ năm 2006. Trong 16 năm qua, HĐND Thành phố đã ban hành 02 Nghị quyết và UBND Thành phố ban hành 08 Quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Hiện nay, Thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND) và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố(gọi tắt là Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND). Ngoài ra, Thành phố còn thực hiện phân cấp theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do thành phố Hà Nội ban hành; thực hiện phân cấp cho cấp huyện, cấp xã trong các ngành, lĩnh vực theo các quy định tại Luật, Nghị định, Thông tư.
Thành phố Hà Nội là địa phương có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp tương đối bao quát các ngành, lĩnh vực và liên tục có rà soát, điều chỉnh phân cấp để phù hợp với các quy định Trung ương mới ban hành và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu phát triển của xã hội. Trong thời gian qua, việc phân cấp quản lý đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Thành phố; từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ của các cấp, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần huy động tốt nhất mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, thị xã, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước chung của Thành phố.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủyvề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và xu thế vận động của xã hội, UBND Thành phố thực xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố, trình HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp ngày 12/9/2022.
2. Quá trình xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố
Việc xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố được chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu năm 2022.Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong quá trình xây dựng Đề án. Từ đầu năm 2022, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản, tổ chức nhiều Hội nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát tổng thể nhiều vòng việc phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, UBND Thành phố đã Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 22/7/2022 để hoàn thiện Đề án với tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản từ việc rà soát quy định phân cấp quản lý nhà nước của từng lĩnh vực chuyên ngành đến việc rà soát nguồn lực, tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính. Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành ủy có 02 Nghị quyết chuyên đề; Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tổ chức 02 Hội nghị chuyên đề và có 02 Kết luận về nội dung này.
3. Nội dung trọng tâm của Đề án
3.1 Xây dựng mục tiêu, nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền
Các mục tiêu, nguyên tắc đã được xây dựng rất kỹ lưỡng để đảm bảo: Đúng luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô văn hiến và đô thị đặc biệt.
3.2 Xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
(1) Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ.
(2) Rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.
- Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn Thành phố là 1.884 thủ tục hành chính, cấp Thành phố là: 1.534 thủ tục (gồm UBND và Chủ tịch UBND Thành 384 thủ tục, sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục.
- Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện; 41,65% TTHC cấp Thành phố. Hiện nay, Thành phố đang chỉ đạo Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ngành tiếp tục rà soát để đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định, khả thi.
(3) UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết ngày 03/8/2016 với việc bổ sung phân cấp đối với 09 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành liên quan đến: quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; lĩnh vực di tích; chợ; nước sạch ở vùng sâu vùng xa; xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố; bến xe, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông; trường trung học phổ thông.
(4) Thành phố tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
(5). Tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; rà soát về thủ tục hành chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
4. Sản phẩm của Đề án
Tại kỳ họp HĐND Thành phố ngày 12/9/2022, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành thông qua 02 Nghị quyết:
- Nghị quyết (cá biệt) thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố.
- Nghị quyết (quy phạm pháp luật) thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.
Tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp 9) HĐND Thành phố khóa XVI, UBND Thành phố dự kiến trình HĐND Thành phố 02 Nghị quyết liên quan đến chính sách học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội. Cụ thể:
1. Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023
Theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ (theo đó, mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022).
Hiện nay, về cơ bản dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, kinh tế Thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định; tuy nhiên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội, UBND Thành phố dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022 (bao gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí).
Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngân sách Thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị.
Dự kiến ngân sách Thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn một nghìn tỷ đồng cho năm học 2022-2023.
2. Ngoài chính sách trên, UBND Thành phố dự kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023
Theo đó có 02 đối tượng được hỗ trợ, cụ thể:
- Học sinh học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã miền núi: Được hỗ trợ 100% học phí.
- Học sinh thuộc đối tượng giảm học phí theo quy định của Chính phủ: Được hỗ trợ toàn bộ phần học phí còn lại (sau khi đã hưởng chính sách giảm học phí theo quy định của Chính phủ).
Với chính sách trên, học sinh ở khu vực miền núi và học sinh thuộc đối tượng giảm học phí sẽ không phải đóng học phí.
Dự kiến kinh phí ngân sách hỗ trợ khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Các chính sách trên thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà nội đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19./. 

III. Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
1. Tóm tắt tiến độ triển khai thực hiện

Ngày 16/8/2022, HĐND Thành phố có Thông báo số 35/TB-HĐND về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026); trong đó, HĐND Thành phố dự kiến xem xét, thông qua nội dung: Mức hỗ trợ một lần cho các y, bác sỹ và nhân viên y tế thành phố Hà Nội;
Ngày 15/8/2022, HĐND Thành phố có Công văn số 178/HĐND-VHXH ngày 15/8/2022 của Thường trực HĐND Thành phố về việc chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô, theo đó, Thường trực HĐND Thành phố có ý kiến: Thống nhất chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND “Quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô” theo đề nghị của UBND Thành phố;
Ngày 26/8/2022, Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 865-TB/TU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương đối với một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương về đề xuất một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố do Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình, gồm: Mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở thống nhất đề nghị xây dựng Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố và chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Y tế đã phối hợp Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ các bước theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và toàn thể nhân dân. Trên cơ sở ý kiến góp, Liên Sở: Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính đã có Tờ trình số 3869/TTrLS: YT -TC -LĐTBXH ngày 29/8/2022 báo cáo UBND Thành phố.
Ngày 31/8/2022, UBND Thành phố có Tờ trình số 286/TTr-UBND trình HĐND Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
Nghị quyết dự kiến được trình HĐND Thành phố thông qua vào kỳ họp thứ 9 ngày 12/9/2022 (kỳ họp chuyên đề của HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026).
2. Nội dung chính của Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội
2.1 Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
2.2. Đối tượng áp dụng
a) Công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
b) Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đang làm công tác y tế tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Công chức, viên chức, lao động hợp đồng đã làm việc và đã nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
d) Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đã làm công tác y tế và đã nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
2.3. Mức hỗ trợ, động viên
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngành y tế Thủ đô là chính sách mới, đặc thù của Thành phố nhằm động viên kịp thời đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
Mức chi Liên Sở: Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tham khảo trên một số mức chi hỗ trợ một lần tại thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến góp ý của các Sở, các Ban HĐND Thành phố, ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố tại cuộc họp ngày 28/7/2022, trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế; Công đoàn ngành y tế Hà Nội và các ý kiến của cá nhân trên Cổng Giao tiếp điện tử UBND Thành phố. Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế bao gồm: Mức 1 là 10.000.000 đồng/người (tham khảo mức chi hỗ trợ một lần đối với người làm trực tiếp tại Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24/8/2021 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh); Mức 2 là 7.000.000 đồng/người (bằng 70% mức 1); Mức 3 là 5.000.000 đồng (bằng khoảng 70% mức 2), cụ thể như sau:
(1) Các Bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm:
a) Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
b) Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
(2) Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm:
a) Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
b) Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/người.
(3) Cơ quan văn phòng Sở Y tế:
a) Các Phòng: Nghiệp vụ Y, Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Sở Y tế: Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
b) Phòng: Nghiệp vụ Dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra Sở: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
(4) Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
(5) Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế làm công tác y tế tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/người.
2.4. Thời gian thực hiện: Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
2.5. Dự kiến kinh phí hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện
- Dự kiến kinh phí hỗ trợ: 257.859 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí: Ngân sách cấp Thành phố.

Văn phòng UBND Thành phố thông tin về các dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội để các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Thành phố kịp thời nắm bắt, phối hợp thông tin, tuyên truyền./.

VĂN PHÒNG UBND THÀNH PHỐ


CỔNG THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Chỉ đạo trực tiếp: TRƯƠNG VIỆT DŨNG, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Trụ sở: 12 Lê Lai, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 02438253536 - 0789111111       Email: vanthu@hanoi.gov.vn